Agedashi-dofu (Đậu phụ rán vàng rưới nước dùng dashi)

Cách chế biến

  1. Đầu tiên, chuẩn bị nước xốt từ nước dùng dashi cùng với củ cải và gừng để trang trí và ăn kèm. Cho xì dầu, đường, katsuo-bushi và 1 cốc nước (200 ml) vào nồi, để bếp ở lửa vừa đun cho đến khi sôi. Tắt bếp và lọc hỗn hợp qua rây. Lót rây bằng giấy dùng trong nhà bếp sẽ giúp nước dùng trong và đẹp mắt. Gọt vỏ củ cải và gừng. Lần lượt nghiền từng loại một bằng dụng cụ nghiền. Thớ của củ cải và gừng theo chiều dọc, khi nghiền bạn nhớ nghiền theo hướng đúng với thớ của củ. Sau đó, cho phần củ cải đã nghiền vào rây để ráo nước, nhưng chú ý không lấy tay vắt. Còn gừng thì cứ để nguyên như vậy.
  2. Cắt từng khay đậu phụ làm 4 phần, mỗi miếng có kích cỡ 4 x 5 cm, chiều cao khoảng 4 cm. Đặt đậu phụ vào một cái rây lớn, phẳng để ráo nước. Cho dầu vào chảo sao cho ngập từ 4 đến 5 cm và đun đến 180 độ C. Đổ bột mì ra khay. Cho từng miếng đậu phụ lên một chiếc khăn mềm và sạch để bề mặt đậu khô. Sau đó cho vào khay bột mì để phủ đều bột mì lên đậu phụ. Dùng tay vỗ nhẹ để bột mì thừa rơi xuống. Tiếp theo, cho ngay đậu phụ vào dầu đang nóng. Bạn chú ý chỉ phủ bột lên đậu phụ ngay trước khi cho vào rán. Vì thế hãy phủ bột lên từng miếng một rồi cho ngay vào chảo, đừng phủ tất cả cùng một lúc.
  3. Rán đậu phụ trong khoảng 1 phút. Khi lớp bên ngoài đậu phụ đã chuyển màu vàng sáng và hơi phồng lên thì cho ra. Sau khi đã rán tất cả chỗ đậu phụ, bạn cho các miếng đậu phụ vào một chiếc đĩa hơi sâu lòng, cho gừng và củ cải nghiền lên trên. Hâm lại nước dùng dashi, và rưới xung quanh các miếng đậu phụ. Như vậy, món ăn đã hoàn thành.
Hai loại đậu phụ ở Nhật Bản
Ở Nhật Bản có 2 loại đậu phụ. Momen, nghĩa đen là "vải bông", là loại đậu phụ khá cứng. Một số mặt của miếng đậu còn có dấu vết của miếng vải bông dùng để bọc ngoài miếng đậu. Một loại đậu khác tên là kinu, nghĩa đen là "lụa". Đây là loại đậu phụ mềm và mịn hơn. Tên của 2 loại đậu phụ biểu thị hình dáng và kết cấu của đậu.

Cách làm ra hai 2 loại đậu phụ này khác nhau. Cả 2 loại đều được làm bằng cách ngâm rồi nghiền đậu nành trong nước, đun sôi rồi lấy nước đậu nành sau khi đã lọc cho đông lại. Với đậu phụ momen, người ta sẽ cho chất làm đông vào đậu nành, sau đó đổ hỗn hợp đã hơi rắn lại vào khuôn, rồi để vật nặng lên trên để nén cho tiết hết nước ra. Với đậu phụ kinu thì chỉ cho hỗn hợp nước đậu nành và chất làm đông vào khuôn để rắn lại mà không dùng vật nào để nén.

Hàm lượng dinh dưỡng của 2 loại đậu phụ này cũng khác nhau. Đậu phụ momen rắn hơn thì nhiều protein và canxi, trong khi đó, đậu phụ kinu thì nhiều ka-li và ma-giê.

Hai loại đậu phụ này được dùng để chế biến rất nhiều món ăn khác nhau trong ẩm thực gia đình của Nhật Bản.

Nguồn: http://www3.nhk.or.jp/